Trong hơn 10 năm qua, thị trường nhà đất Việt Nam đang có môi trường kinh doanh thuận lợi thì bỗng nhiên bị khựng lại bởi những đợt bùng phát từ dịch bệnh Covid-19. Tuy nhiên, phải nhìn nhận thực tế rằng, từ những thông thoáng về chính sách và thủ tục đã góp phần thúc đẩy nguồn cung dự án nhà ở ngày càng tăng cao. Các sản phẩm nhà ở thương mại ra đời ngày càng đa dạng với nhiều tiện ích vượt bậc, phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Vậy nhà ở thương mại là gì?
Nhà ở thương mại được hiểu là những căn hộ do các tổ chức hoặc cá nhân làm chủ đầu tư xây dựng (theo những quy định của pháp luật) để cho thuê hoặc để bán lại theo cơ chế thị trường, theo quy luật cung - cầu và các bên tham gia giao dịch, mua bán sẽ tự quyết định về giá cả theo quy luật “thuận mua vừa bán”.
Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường
Thuật ngữ “Nhà ở thương mại” cũng được quy định trong các văn bản quy phạm pháp luật. Cụ thể, theo khoản 4 Điều 3 Luật Nhà ở năm 2014: “Nhà ở thương mại là nhà ở được đầu tư xây dựng để bán, cho thuê, cho thuê mua theo cơ chế thị trường”. Theo đó, nhà ở thương mại là loại hình bất động sản có nhiều phân khúc khác nhau, như: căn hộ dịch vụ, nhà riêng lẻ, chung cư cao cấp, biệt thự, nhà ở thương mại phục vụ tái định cư…
Nhà ở thương mại khác gì với nhà ở xã hội?
Điểm lợi thế và cũng là đặc trưng của phân khúc nhà ở thương mại là tự do mua bán, sang nhượng, không giới hạn đối tượng mua và bán. Chỉ cần người mua và người bán đạt được thỏa thuận và đủ khả năng chi trả là có thể tiến hành giao dịch mua bán nhà ở, căn hộ. Hơn nữa, nhà ở căn hộ thương mại còn có lợi thế cạnh tranh và được nhiều người chọn lựa vì được các ngân hàng hỗ trợ cho vay linh hoạt, dài hạn tới 25 năm, với mức vay tối đa lên tới 70-75% giá trị căn hộ.
Đối tượng và phương thức mua bán là những đặc trưng cơ bản để phân biệt giữa nhà ở thương mại với nhà ở xã hội. Nhà ở xã hội được hiểu là nhà ở có sự hỗ trợ của Nhà nước cho các đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở, theo quy định riêng của pháp luật.
Nhà ở xã hội có giá và chính sách ưu đãi rẻ hơn so với nhà ở thương mại
Nhà ở xã hội hay căn hộ xã hội có những quy định riêng và sẽ ưu tiên cho các đối tượng như: cán bộ công nhân viên chức (đối tượng này không cần chứng minh thu nhập); người có thu nhập thấp (thu nhập chưa đến mức đóng thuế Thu nhập cá nhân). Đồng thời, những đối tượng này phải có hộ khẩu thường trú và giấy chứng nhận kết hôn (nếu đã kết hôn) hoặc giấy chứng nhận độc thân.
Ngoài ra, nhà ở xã hội sẽ được hưởng những chính sách ưu đãi, như: mức đóng thuế thấp, lãi suất vay thấp nên giá thành bán hay cho thuê căn hộ sẽ rẻ hơn so với nhà ở thương mại.
Tuy nhiên, loại hình nhà ở xã hội cũng có nhiều nhược điểm như: việc mua bán bị hạn chế về thời gian và đối tượng; vị trí không đẹp, thường xa trung tâm, không gian và môi trường sinh sống bị hạn chế, không thoáng mát, trong lành và có nhiều tiện ích như loại hình nhà ở thương mại…